Monday 2 January 2017

Khi mà những trang viết về mấy mối tình lãng xẹt đã đầy lên trong bộ nhớ của laptop, con lại quên rằng mẹ mới chính là người con nên viết và muốn viết nhất. Ngồi vào máy, gọi video cho mẹ và câu đầu tiên mẹ hỏi: "Bà có nhà không con?". Mẹ và bà có hàng ngàn chuyện để nói với nhau nào là giá vàng lên hay xuống, nợ nần nhà cửa nhiều không... Mẹ thân với bà hơn con mất rồi.

Viết cho tuổi 20 không có mẹ ở bên...
Đà Nẵng đang trải qua mùa mưa với những trận mưa có khi ào ào, khi lại rả rích. Hà Nội thì chìm đắm trong cái lạnh với sắc họa mi trắng thấp thoáng trong dòng người vội vã trên từng con đường góc phố. Hai mươi năm trước, con được sinh ra trong niềm vui hân hoan của cha mẹ, lúc mà mẹ mới tròn đôi mươi. Bây giờ, con đã thành một thiếu nữ sinh viên năm hai đại học và mẹ cũng đang dần bước qua nửa cuộc đời. Mẹ một nơi và con một nơi.
Hôm nay tự nhiên con ngồi đếm vu vơ số năm mẹ con mình được ở gần nhau mẹ ạ. Một năm, hai năm và chín năm là con số con đếm được. Nếu ai không biết sẽ hỏi sao ít thế, họ đâu biết rằng vì miếng cơm manh áo, vì những đổ vỡ của hạnh phúc gia đình, mẹ phải xa con trong những ngày thu tháng chín. Mẹ ngồi trên xe cố kìm nén những giọt nước mắt còn con và bà chạy theo xe nức nở. Con cứ ngỡ mẹ đi ba năm rồi sẽ về nhưng cuộc sống khó khăn quá, mẹ đi cũng đã hơn mười năm rồi.
Viết cho tuổi 20 không có mẹ ở bên...
Những kỉ niệm về mẹ cứ nhòa dần theo năm tháng. Ấn tượng thời bé chỉ là những trận đánh đau ơi là đau của mẹ vì con ngang bướng, là những buổi chiều đi học về, con lại ra ngồi với mẹ bán hàng ở chợ. Mẹ của con vất vả lắm, mẹ bán tạp hóa, bán mía rồi lại bán giày dép. Mẹ từng là công nhân mỏ, mẹ từng đi vác than về bán cho các bãi thổ phỉ, mẹ cũng từng ngồi đóng than tổ ong hàng giờ dưới cái nắng gắt của mùa hè. Cứ mỗi lần mệt quá, trên trán lấm tấm mồ hôi, mẹ lại bảo:
"Tý ơi, thơm mẹ một cái nào".
Lúc ấy, con lại chạy vào nhà rót cho mẹ một cốc nước đầy rồi thơm vào má mẹ. Khi con đi học, nhà mình thời ấy chưa có xe máy, mẹ đèo con trên chiếc xe đạp mini Nhật ra tít ngoài thành phố mua quyển vở tập viết, cái balo để con không thiếu thốn. Chỉ có mẹ tần tảo lo lắng cho con từ cái ăn cái mặc. Thế rồi nhà mình cũng khấm khá hơn, mẹ kinh doanh bận bịu nhưng cơm mẹ vẫn nấu, quần áo mẹ vẫn giặt, trong khi con thì nghịch ngợm quậy phá đủ kiểu. Giờ nghĩ lại con hối hận lắm mẹ ạ.
Gia đình đang êm ấm, đầy đủ vật chất thì bố lại phá bỏ mọi thứ. Một lần nữa, mẹ lại vất vả, vất vả gấp trăm lần ngày xưa. Một mình mẹ thu xếp mọi việc ở thành phố, gửi con về quê và mẹ đi xa xứ làm việc. Mẹ bỏ lại sau lưng sự trách móc, khinh bỉ của nhà nội để kiếm tiền gây dựng lại tất cả. Con không thể hiểu hết nỗi vất vả của mẹ nơi xứ người, rằng mẹ phải đi làm thêm, chắt chiu từng đồng bạc để con ăn học. Một người phụ nữ đang trong độ tuổi thanh xuân, chấp nhận xa mẹ xa con để tự mình làm lại mọi thứ từ đầu, đó quả là điều phi thường của một người mẹ.
Những hình ảnh quá khứ không hay con đã quên dần và không muốn nhắc lại nhưng nó là nỗi ám ảnh dày vò mẹ suốt bao năm qua. Những viên thuốc ngủ, ly nước va vào tường rồi vỡ tan như ám chỉ rằng mẹ muốn vứt bỏ mọi thứ để ra đi. Đó là những phút giây yếu đuối trong đời mẹ, trong đôi mắt ngây thơ của con. Buổi đi chơi cuối cùng, cây xúc xích, con búp bê và cả những bộ đồ mẹ muốn mua... nó bỗng xuất hiện khi con cũng yếu đuối và muốn buông xuôi. Khi con bơ vơ, lạc lõng và tuyệt vọng nhất, con nhớ về mẹ, con sợ không ai ở bên mẹ khi về già. Con sợ tất cả mẹ ạ.
Con nhớ đã có một người nói như thế này: "Khi xã hội ngoài kia quay lưng lại với bạn thì gia đình sẽ vẫn luôn ủng hộ bạn". Và con cảm ơn mẹ đã luôn ủng hộ con trên con đường con đã chọn. Mẹ hãy cứ làm việc chăm chỉ, vui vẻ và mau về mẹ nhé. Con yêu mẹ.

0 comments:

Post a Comment

Search This Blog

Powered by Blogger.

Total Pageviews

Popular Posts

Blog Archive